Đại hội Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2022 – 2027

Sáng 28/6, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Hà Nội) đã diễn ra Đại hội Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2022 – 2027.

 

 Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng phát biểu tại Đại hội.

 

Tham dự Đại hội có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam Hoàng Quốc Tuấn, các đồng chí trong Ban thường vụ Trung ương Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam khóa IV nhiệm kỳ 2016-2021, đại diện lãnh đạo các cơ quan: Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Cục Lưu trữ Văn phòng trung ương Đảng, Vụ Tổ chức phi chính phủ (Bộ Nội vụ), Văn phòng, phòng Lưu trữ các Bộ, Ban, Ngành, Chi cục Văn thư Lưu trữ các tỉnh thành phố, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo về Văn thư, Lưu trữ; cùng hàng trăm đại biểu thuộc Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam.

Theo chương trình, Đại hội đã tiến hành bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu; thông qua Quy chế làm việc của Đại hội

 Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội.

PGS,TS Vũ Thị Phụng – Phó Chủ tịch Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam khóa IV đã thay mặt Đoàn Chủ tịch trình bày báo cáo tổng kết nhiệm kỳ IV (2016-2021 và phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ V (2022-2027).

Trong nhiệm kỳ IV, Trung ương Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam đã thực hiện đúng Nghị quyết và phương hướng nhiệm vụ được Đại hội lần IV thông qua. Các hoạt động của Hội được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Trung ương Hội đã đảm bảo sinh hoạt thường xuyên theo đúng nguyên tắc tổ chức hội và báo cáo thường kỳ lên cơ quan quản lý cấp trên là Bộ Nội vụ. Do tác động của dịch COVID-19, từ quý I năm 2020 đến nay nhiều hoạt động của Hội phải hoãn lại hoặc không thực hiện được, trong đó có việc phải lùi việc tổ chức Đại hội V của Hội sang năm 2022.

 PGS.TS Vũ Thị Phụng, Phó Chủ tịch Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam báo cáo tại Đại hội

Công tác xây dựng Hội bước đầu có sự đổi mới trong định hướng nội dung và phát triển Hội, đặt trọng tâm vào tập hợp, kết nối, đoàn kết các nguồn lực xã hội tham gia hoạt động của Hội vì sự nghiệp lưu trữ Việt Nam; bước đầu mở rộng được các tổ chức của Hội sang khối doanh nghiệp làm dịch vụ lưu trữ; thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động dịch vụ lưu trữ, tạo điều kiện thu hút đông đảo các nguồn lực xã hội tham gia và giải quyết các nội dung nghiệp vụ về bảo quản, phục chế, số hóa, chuyển đổi số, chỉnh lý khoa học, đào tạo nguồn nhân lực…; góp phần nhất định vào sự nghiệp lưu trữ Việt Nam.

Hội đã chủ động hơn trong việc hợp tác, phối hợp, tham gia cùng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ, các cơ quan Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng văn bản pháp luật, nghiên cứu khoa học, phổ biến pháp luật và nghiệp vụ văn thư, lưu trữ. Tạp chí của Hội đã phát huy ngày một tốt hơn vai trò cơ quan ngôn luận của Hội, là công cụ hiệu quả để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức nghiệp vụ văn thư, lưu trữ, quản trị văn phòng và truyền tải tâm tư, nguyện vọng và tình cảm của hội viên. Cũng trong nhiệm kỳ IV, Hội đã tổ chức thành công một đoàn của Hội đi tham quan, khảo sát thực tế và tham dự hội thảo khoa học tại Liên bang Nga…

Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đã nhấn mạnh, công tác văn thư, lưu trữ có vai trò rất quan trọng đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, Đảng và nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng công tác lưu trữ và tài liệu lưu trữ.

Xác định tầm quan trọng của công tác lưu trữ, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Luật Lưu trữ năm 2011; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 về công tác văn thư và tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả.

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng khẳng định hoạt động của Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam đã góp phần thúc đẩy, phát triển lĩnh vực văn thư lưu trữ tại Việt Nam.

Là tổ chức xã hội nghề nghiệp, từ lúc thành lập (2001) qua bốn kỳ đại hội, Hội Văn thư và Lưu trữ Việt Nam đã thể hiện vai trò của mình trong công tác văn thư lưu trữ, nhất là trong nhiệm kỳ qua, Hội đã có nhiều  đóng góp cho xã hội trong lĩnh vực văn thư lưu trữ, cụ thể trên các phương diện sau:

Về xây dựng và phát triển Hội: Hội đã có sự đổi mới trong định hướng nội dung hoạt động và phát triển Hội, đã đặt trọng tâm vào tập hợp kết nối, đoàn kết trong các thành viên của Hội, tham gia hoạt động của Hội vì sự nghiệp văn thư, lưu trữ Việt Nam.

Hội đã chủ động phối hợp, tham gia cùng cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật như: tham gia xây dựng Nghị định số 30/2020/NĐ-CP; đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Lưu trữ 2011. Tham gia nghiên cứu khoa học, tổ chức các hội nghị, hội thảo và phổ biến pháp luật và nghiệp vụ văn thư lưu trữ. Chú trọng quan hệ hợp tác quốc tế…

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ IV, Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam cũng còn những tồn tại hạn chế như Báo cáo tổng kết Đại hội đã chỉ ra và cần khắc phục trong thời gian tới như việc phát triển hội viên, thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế với các tổ chức hội hoạt động cùng lĩnh vực trên thế giới…

Thứ trưởng cũng cho biết với chức năng, nhiệm vụ, Bộ Nội vụ sẽ tạo điều kiện cho Hội tổ chức, hoạt động ổn định, phát triển đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ trưởng đề nghị các đại biểu dự Đại hội tập trung, phát huy dân chủ, sáng suốt, đóng góp trí tuệ thảo luận, thông qua phương hướng hoạt động, Điều lệ của Hội, ban hành Nghị quyết Đại hội; đồng thời sáng suốt lựa chọn những người có tâm huyết, trách nhiệm với Hội để bầu vào Ban Lãnh đạo, Ban Kiểm tra Hội nhiệm kỳ 2022 – 2027 tiếp tục dẫn dắt Hội ngày càng phát triển, thực hiện chương trình, nhiệm vụ Đại hội đã đề ra.

Thứ trưởng cũng đề nghị, sau Đại hội, Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam cần sớm hoàn thiện hồ sơ báo cáo kết quả Đại hội gửi Bộ Nội vụ theo quy định. Đồng thời, Hội cần tiếp tục nâng cao vai trò quản lý, điều hành của Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra; làm tốt nhiệm vụ tập hợp và đoàn kết hội viên; rà soát thực hiện các quy chế hoạt động của Hội….

Với tinh thần tìm ra những đại biểu có tâm huyết, trách nhiệm bầu vào Ban Lãnh đạo, Đại hội Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam lần thứ V đã bầu ra Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ 2022 – 2027 gồm 75 thành viên. Ngay sau đó, Ban Chấp hành Hội đã họp phiên thứ nhất bầu Ban Thường vụ; Chủ tịch; Tổng thư ký và Trưởng Ban kiểm tra. Theo đó, Ban Thường vụ Hội gồm 21 thành viên, Ban Kiểm tra 5 thành viên, Ban Lãnh đạo Hội 1 Chủ tịch và 7 Phó Chủ tịch. Ông Hoàng Quốc Tuấn Chủ tịch Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam khóa IV tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội khóa V nhiệm kỳ 2022 – 2027.

Một số hình ảnh về Đại hội.

 

 Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội
 Chủ tịch Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam Hoàng Quốc Tuấn phát biểu tại Đại hội.
 Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Lưu trữ Việt Nam Đinh Thế Vinh phát biểu tại Đại hội
 Ủy viên Ban Thường vụ Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam Đỗ Văn Học phát biểu tại Đại hội
 Ban Chấp hành Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam khóa V ra mắt Đại hội.
 Quang cảnh Đại hội.

Nguồn: Chi cục Văn thư Lưu trữ thành phố Hà Nội

Bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *
*